Lễ tưởng niệm ông Romesh Chandra, Chủ tịch danh dự Hội đồng hòa bình thế giới
(Vietpeace) Sáng 11/7/2016, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban Hòa bình Việt Nam và Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh tổ chức Lễ tưởng niệm ông Romesh Chandra, Chủ tịch danh dự Hội đồng hòa bình thế giới.
Ảnh: TV
Tham dự Lễ tưởng niệm, có ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Phạm Văn Chương, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh; bà Nina Tshering La, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ la tinh; đại diện Hội hữu nghị Việt – Ấn, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; lãnh đạo và cán bộ các ban, đơn vị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Tại Lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam trình bày tóm tắt tiểu sử ông Romesh Chandra.
Ông Romesh Chandra sinh ngày 30/3/1919 tại Lyallpur, Ấn Độ. Ông tốt nghiệp đại học Lahore và Cambridge. Ngay từ thời sinh viên, ông đã tham gia phong trào sinh viên đòi độc lập cho Ấn Độ và là Chủ tịch Hội Sinh viên Lahore từ năm 1934 đến 1941. Năm 1939, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Ấn Độ và được bầu vào Trung ương Đảng năm 1952 và năm 1958 được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị sau đó là Uỷ viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư từ năm 1963 đến 1966 . Ông là một trong những nhà báo xuất sắc với cương vị Tổng biên tập tuần báo “Thời đại mới”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Ấn Độ từ 1963 đến 1966. Là nhà hoạt động và lãnh tụ của phong trào hòa bình và đoàn kết Ấn Độ ông là Tổng thư ký Hội đồng Hòa bình Ấn Độ từ năm 1952-1963, sau này đổi tên thành Tổ chức hoà bình và đoàn kết toàn Ấn (AIPSO), một tổ chức tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân và các đảng phái chính trị ở Ấn Độ mà nòng cốt là Đảng cộng sản và Đảng quốc Đại tại Ấn Độ.
Năm 1963, Romesh Chandra tham gia Hội đồng hòa bình thế giới một tổ chức tiến bộ do nhiều trí thức nổi tiêng thành lập tháng 4-1950, do nhà bác học Pháp được giải thưởng Noben hoá học làm Chủ tịch đầu tiên. Từ năm 1966 ông trở thành Tổng thư ký đến năm 1977 là Chủ tịch tổ chức này tới năm 1995 thì được bầu là Chủ tịch danh dự.
Với tầm hiểu biết thế giới rộng và sâu sắc nhất là phong trào hoà bình thế giới và lịch sử đấu tranh giành độc lập của các dân tộc lại là người có năng khiếu hùng biện, ngoài tiếng Anh ông còn sử dụng thành thạo tiếng Pháp. Những phát biểu của Romesh Chandra trên các diễn đàn quốc tế nhân dân và tại Diễn đàn các tổ chức phi chính phủ của Liên hiệp quốc đã thu hút, lôi cuốn và khích lệ người nghe, đưa học tham gia vào các hoạt động hoà bình hữu nghị và đoàn kết vì một thế giới hoà bình công lý và tiến bộ xã hội. Vào những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, những hoạt động của ông trong Hội đồng hòa bình thế giới đã đưa tổ chức này trở thành nòng cột trong phong trào nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt nam và nhiều nước. Có thể nói ông đã có nhều đóng góp vào việc hình thành thế hệ Việt nam trên thế giới lúc đó.
Có thể nói hơn 60 năm hoạt động và cống hiến cho phong trào Hòa bình đoàn kết tại Ấn độ và Phong trào hòa bình thế giới, Romesh Chandra đã trở thành nhà hoạt động hoà bình nổi tiếng của nửa sau thế kỷ 20. Ông đã đặt chân đến phần lớn các nước trên thế giới, đã thu hút hàng triệu triệu người trên thế giới tham gia vào cuộc đấu tranh vì hoà bình công lý và đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc. Ông được nhân dân yêu chuộng hoà bình công lý trên thế giới mến mộ. Romesh Chandra đã nhận được rất nhiều phần thưởng cao quý: Huy chương vàng Joliot Curie năm 1964. Giải thưởng Hòa bình Lênin 1968, Huy chương hữu nghị của Liên Xô, nhiều nước XHCN Đông Âu, nước thế giới thứ 3 và Huân chương hữu nghị của Việt Nam.
Đối với Việt nam, khi còn là Lãnh đạo Tổ chức hoà bình và đoàn kết toàn Ấn Độ cũng như khi là Lãnh đạo Hội đồng hòa bình thế giới ông luôn đi tiên phong trong phong trào đòi hoà bình công lý và đoàn kết hữu nghị với Việt nam. Ông đã nhiều lần thăm Việt nam và trong nhiều lần trong các Diễn đàn Hoà bình đoàn kết trên thế giới, ông đã nói về Việt Nam với lòng kính trọng và mến mộ. Ông coi Việt nam là một phần trong ông. Năm 2000 trong chuyến thăm dự Kỷ niệm 25 năm ngày thống nhất đất nước và Kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chuyến thăm Việt nam cuối cùng của ông, Romesh Chandra đã nói :” Việt nam đang cùng chúng ta hôm nay và sẽ cùng chúng ta ngày mai. Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta là bạn của Việt nam. Vào thời điểm vinh dự này cho phép tôi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người là Việt nam, là người giải phóng cho Việt nam nhưng Người còn vĩ đại hơn thế. Người không chỉ dành riêng cho châu Á mà cho toàn thế giới. Hồ Chí minh – con người của hoà bình”.
Phút mặc niệm để tưởng nhớ Chủ tịch danh dự Hội đồng hòa bình thế giới Romesh Chandra (Ảnh: TV)
Bày tỏ lòng thương tiếc và luôn ghi nhớ, biết ơn những tình cảm, hành động tốt đẹp mà ông Romesh Chandra đã dành cho nhân dân Việt Nam, đóng góp cho tình hữu nghị giữa Việt Nam, Ấn Độ và các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới, các đại biểu tham dự Lễ tưởng niệm đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ Chủ tịch danh dự Hội đồng hòa bình thế giới Romesh Chandra – người bạn lớn của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng.
NN