Xây dựng ngành ngoại giao kiến tạo, hành động, liêm chính
(TTXVN) Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế – Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” diễn ra từ ngày 22-26/8 tại Hà Nội, ngày 23/8, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên họp thứ hai về Ngoại giao phục vụ phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị toàn ngành xây dựng phương hướng phát triển phù hợp với định hướng thiết lập một Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính để phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Thời đại của ngoại giao kinh tế
Phát biểu dẫn đề tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành ngoại giao, phục vụ phát triển đất nước luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của mọi hoạt động đối ngoại.
Trong thời kỳ Đổi mới, công tác ngoại giao kinh tế đã đóng góp thiết thực, hiệu quả vào công cuộc cải cách, mở cửa, phá thế bao vây, cấm vận; huy động nguồn lực quan trọng bên ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội; chủ động, tích cực triển khai hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược với tám nước và quan hệ đối tác toàn diện với ba nước, nâng tổng số các nước có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện lên 25 nước; góp phần đưa quan hệ đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong kinh tế, thương mại và đầu tư.
Trao đổi với đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại những bài học kinh nghiệm, phẩm chất cao quý của nhà ngoại giao kiệt xuất Hồ Chí Minh và điểm lại những thành tựu quan trọng cũng như bối cảnh lịch sử của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới.
Khẳng định những thành tựu này có sự đóng góp hết sức quan trọng, to lớn của ngành ngoại giao, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng ngành ngoại giao vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng lần thứ hai.
Bảo vệ quyền và lợi ích doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài
Đề cập đến những thách thức đang đặt ra đối với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng cho rằng những thành tựu kinh tế-xã hội của đất nước vẫn còn ở mức độ khiêm tốn so với mặt bằng chung và nhịp độ phát triển của thế giới. Việt Nam có nguy cơ rơi vào giai đoạn phát triển chậm chạp nếu không có một cuộc cách mạng thay đổi về nhận thức và hành động.
Phân tích diễn biến khó lường về tình hình chính trị, kinh tế trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là những mâu thuẫn về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hay nguy cơ khủng bố, Thủ tướng nhấn mạnh đây là những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn, tác động trực tiếp đến hợp tác và phát triển kinh tế quốc tế của đất nước.
Nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển kinh tế nhanh và bền vững của đất nước, Thủ tướng mong muốn các sứ quán, từng vị Đại sứ, nhân viên ngoại giao cần phối hợp hành động tốt hơn nữa, phải là cầu nối thông tin liên kết có hiệu quả giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để bảo vệ và thúc đẩy các quyền và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thương hiệu Việt, quyền sở hữu trí tuệ Việt và người tiêu dùng Việt.
“Các nhà ngoại giao phải năng động, tích cực, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, phải tham gia chủ động vào các đối thoại chiến lược chính sách, hoạch định luật chơi, sân chơi kinh tế toàn cầu. Không để doanh nghiệp Việt Nam bỡ ngỡ về thông tin, lạc lối về thể chế và luật lệ ở thị trường quốc tế. Không chấp nhận những việc doanh nghiệp, nhà cung ứng của chúng ta bị chèn ép, bất công, bị thua thiệt trước các tập đoàn đa quốc gia,” Thủ tướng nêu rõ.
Lưu ý đến nhiệm vụ phát triển ngành du lịch, Thủ tướng cũng đề nghị các sứ quán, các vị Đại sứ phối hợp với các ban, bộ, ngành, tháo gỡ những nút thắt về thể chế, hoạch định tốt chính sách để trả lời được các câu hỏi làm thế nào để khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đông hơn, ở lại Việt Nam lâu hơn, khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm thế nào để khách du lịch quay trở lại Việt Nam? Làm thế nào để khách du lịch kể về những câu chuyện văn hóa, con người và cảnh quan tươi đẹp của Việt Nam?
Hội nhập kinh tế là trọng tâm
Thủ tướng cho rằng trong nhiệm vụ đẩy mạnh hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế vẫn là trọng tâm của ngành ngoại giao. Các lĩnh vực đối ngoại khác phải phục vụ thuận lợi cho ngoại giao kinh tế.
Với lợi thế quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, có trên 90 cơ quan đại diện ở nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu ngành ngoại giao Việt Nam phải là ăng ten nhạy cảm về dự báo tình hình thế giới, đặc biệt là kinh tế để làm tốt vai trò tham mưu, đột phá trong hợp tác kinh tế đối ngoại của đất nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao phải gắn bó, hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, như công thương, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là 63 tỉnh, thành phố cả nước; trong đó ngoại giao là lực lượng nòng cốt, kết nối, đồng hành, là chất xúc tác đắc lực cho các ngành và các địa phương trong tiến trình phát triển.
Để làm tốt nhiệm vụ được giao, Thủ tướng mong muốn từng cán bộ ngoại giao ngoài kiến thức ngoại giao, phẩm chất chính trị, phải có kiến thức kinh tế, nắm chắc, am hiểu tình hình kinh tế của đất nước.
Không ngừng đổi mới tư duy công tác ngoại giao
Khẳng định phương hướng phát triển ngành ngoại giao trên tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, không ngừng đổi mới tư duy quản lý trong điều kiện đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, Thủ tướng yêu cầu tinh thần này không những phải được quán triệt, thấm nhuần, mà phải chuyển hóa thành hành động cụ thể, sáng kiến cụ thể, kết quả cụ thể, tạo ra sự chuyển biến thực sự trong chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương và các nhà ngoại giao.
Hoan nghênh Bộ Ngoại giao đổi mới tư duy theo hướng ngoại giao phục vụ phát triển, với cách tiếp cận liên ngành, đa ngành, đa phương, bắt nhịp với thời đại, Thủ tướng đề nghị các Đại sứ, Trưởng đại diện cơ quan ngoại giao cần thường xuyên suy nghĩ, tìm tòi những điều mang lại lợi ích cho đất nước để báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, kể cả điện trực tiếp cho Thủ tướng.
“Tôi rất lắng nghe các đồng chí. Việc gì có lợi cho Tổ quốc tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không đến nơi đến chốn để giải quyết,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần lắng nghe ý kiến các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao ở các nước để vận dụng, tránh tình trạng đã lắng nghe rồi nhưng thấy khó khăn rồi chùn bước, “biết bàn bí bỏ.”
Giao nhiệm vụ cho ngành ngoại giao, Thủ tướng chỉ đạo toàn ngành tập trung định hình được những ưu tiên chiến lược của đất nước và xác lập một tư duy chiến lược trong thời kỳ mới. Trong điều kiện nguồn lực, thời gian và đặc biệt là thời cơ có hạn, ngành ngoại giao cần xác định những lợi ích quốc gia cốt lõi trong bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế-xã hội và phát huy ảnh hưởng của đất nước trên trường quốc tế.
Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành ngoại giao tham gia tích cực hơn nữa, đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng thể chế của các định chế quốc tế nhằm tạo ra thế và lực cho đất nước, tiêu biểu là các định chế quan trọng như Liên hợp quốc, WB, IMF, ASEAN, ASEM, APEC… Đặc biệt Việt Nam cần đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng thể chế ASEAN nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, thống nhất thực sự, đồng thuận thực sự, hài hòa. Các vị Đại sứ, đại diện thương mại ở các nước phải thường xuyên trao đổi thông tin kịp thời với nhau và với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong nước để có sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhất, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao phát huy vai trò thống nhất quản lý đối ngoại, tạo sức mạnh tổng hợp trong Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương nghiên cứu, giao nhiệm vụ cho từng Đại sứ và các thương vụ nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể; coi đây là chỉ tiêu quan trọng đánh giá hoạt động của các cơ quan này, đồng thời cần rà soát các cơ chế, chế độ tài chính nhằm bảo đảm đời sống cán bộ tại cơ quan đại diện ngoại giao bao gồm cả việc bảo đảm vị thế đối ngoại quốc gia trong các hoạt động đối ngoại, nhất là các địa bàn trọng điểm.
Mong muốn những nhà ngoại giao và cán bộ thương mại phải đại diện một cách chân thực nhất, tối ưu nhất hình ảnh của Việt Nam, lợi ích của Việt Nam ở nước sở tại, Thủ tướng cho rằng nhà ngoại giao chuyên nghiệp của thời đại mới sẽ phải kiêm vai trò là nhà kinh tế, học giả, xúc tiến đầu tư, những nhà văn hóa Việt Nam. Đó là những trọng trách lớn lao không ít gian nan nhưng đó cũng là sứ mệnh cao cả, đáng tự hào mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đang kỳ vọng ở các nhà ngoại giao, Thủ tướng nêu rõ.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng lưu ý tất cả các địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác đối ngoại để phát huy thế mạnh so sánh của địa phương, đặc biệt là hợp tác chặt chẽ, thông tin kịp thời cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe phát biểu tham luận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tài chính và tham luận của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga./.